8 sai lầm thường gặp trong SEO và giải pháp khắc phục

Điều gì làm bạn cảm thấy khó chịu nhất trong quá trình triển khai SEO cho website của mình? 

Dành hàng tháng trời làm việc chăm chỉ để website có thể đứng trong Top 3 công cụ tìm kiếm nhưng kết quả nhận lại được chỉ ọp ẹp trang 4, trang 5.

Vì sao vậy?

Tin tôi đi, đó chắc chắn không phải là một cảm giác thoải mái cho lắm vì điều này cũng đã từng xảy ra với tôi. 

Sau khi gặp và phân tích nhiều trường hợp khác nhau trong quá trình triển khai SEO, tôi thấy được những sai lầm SEO phổ biến mà chúng ta thường mắc phải có thể làm cho công sức làm việc của bạn trở nên vô ích.

Nhiều khi ngay cả một sai lầm SEO tưởng như đơn giản nhất cũng có thể khiến cho chiến lược digital marketing của bạn trở nên tốn kém hơn. 

Vì thế, bài viết hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận về 8 sai lầm SEO phổ biến và cách phòng tránh chúng.

Bắt đầu ngay thôi nào!

1. Không xác định được mục tiêu SEO rõ ràng

Điều tất nhiên là bạn cần phải có một mục tiêu cụ thể thì mới thành công được với SEO.

Vậy mà vẫn có rất nhiều người chạy chiến dịch SEO với niềm tin mãnh liệt rằng làm SEO sẽ tăng lượt truy cập, từ đó tăng doanh số bán hàng của họ và không đặt ra một mục tiêu gì cho cả quá trình.

Sự thật thì mất lòng, đâu có đơn giản như vậy 🤣

Để những nỗ lực SEO của bạn có kết quả tốt, bạn cần phải hiểu những gì bạn muốn đạt được. Nếu chỉ nghĩ rằng làm SEO là phải nghiên cứu từ khóa rồi dùng mọi cách đẩy cho nó lên Top là xong, đây chính là sai lầm đầu tiên.

Vậy lên Top rồi để làm gì nếu khách hàng lại không chốt được? 

Ví dụ: Trang web của bạn nhận được 10.000 organic traffic hàng tháng nhưng chỉ có 1% trong số đó mua hàng của bạn.

Nếu là vậy, có thể bạn đã:

  • Hướng sai đối tượng khách hàng truy cập website.
  • Hoặc website của bạn chuyển đổi khách hàng quá kém.

Bạn phải hiểu rằng, SEO thực chất là một trong những cách thức marketing, và hiệu quả của nó tối ưu nhất tới từ việc lên chiến lược, hoạch định kế hoạch, mục tiêu,… Chứ không phải thấy lợi ích nó mang lại mà nhảy vào triển khai SEO bất chấp.

Do đó, bạn cần phải cân nhắc vài điều trước khi triển khai SEO:

  • Bạn muốn đạt được mục tiêu ngắn hạn hay dài hạn và liệu lựa chọn SEO để triển khai thì có phù hợp hay không?
  • Thị trường mục tiêu bạn nhắm đến là ai? Phạm vi cung cấp sản phẩm/ dịch vụ của bạn có mức độ như thế nào? Là local hay toàn quốc? (Điều này rất quan trọng để tối ưu ngân sách của bạn khi triển khai SEO).
  • Đối thủ của bạn là ai? Có khác biệt gì so với bạn?
  • Ngân sách bạn dự tính chi ra cho SEO là bao nhiêu?

Nếu không có một mục tiêu rõ ràng, bạn sẽ kết thúc SEO với một loạt các chỉ số phù phiếm và không có ý nghĩa.

2. Không có kế hoạch và lộ trình SEO cụ thể

Xây dựng một chiến lược và lộ trình SEO là điều rất quan trọng để thành công.

Sẽ chẳng có hiệu quả gì nếu như bạn thấy được đối tượng và mục tiêu của mình nhưng sau đó lại hành động hời hợt hoặc hành động theo cảm tính khi triển khai SEO.

Cách mà tôi thường hay làm để xây dựng một kế hoạch và lộ trình cụ thể là đặt ra mốc thời gian để đạt đến mục tiêu đã định trước, thống nhất một quy trình làm việc càng sớm càng tốt. 

  • Một lộ trình tổng thể sẽ cho bạn cái nhìn rõ hơn để có thể theo dõi và đánh giá kết quả của từng giai đoạn hoặc cả quá trình.
  • Hãy chia nhỏ các việc phải làm thành các đầu việc cụ thể. Tìm kiếm các công cụ, công nghệ, nền tảng giúp ích cho quá trình và chiến lược của bạn. 

3. Sai lầm về nghiên cứu từ khóa

Nếu bạn muốn có traffic thì nội dung của bạn cần phải nói về những thứ mà mọi người đang tìm kiếm trên Google.

Cách để tìm ra những chủ đề đó là: Nghiên cứu từ khóa

Ngay cả khi bạn đã có được một bộ từ khóa ngon thì bạn cần phải đặc biệt lưu ý các sai lầm sau để chiến dịch SEO của mình hiệu quả hơn.

Không đúng mục đích tìm kiếm

Mục tiêu của Google là cung cấp cho người dùng kết quả phù hợp nhất cho mọi truy vấn. Tức là nội dung mà bạn cung cấp phải phù hợp với mục đích tìm kiếm của người dùng.

Mục đích tìm kiếm là một yếu tố xếp hạng ẩn ảnh hưởng đến kết quả SERP, nó là động cơ cuối cùng đằng sau hành động tìm kiếm của người dùng. 

Bạn phải hiểu được tại sao khách hàng đó lại thực hiện cuộc tìm kiếm này? Họ có đang muốn mua thứ gì đó hay không? Hay đơn giản là họ chỉ muốn học hỏi điều gì đó. 

Tôi sẽ cho các bạn một ví dụ cụ thể của việc nghiên cứu từ khóa không đúng đối tượng:

Nếu chúng ta gõ từ khóa tìm kiếm “Nệm cao su tốt nhất” trên Google, kết quả trả về cho chúng ta thấy sẽ chủ yếu là các bài đăng có nội dung so sánh về các loại nệm tốt nhất, chứ không phải là trang bán hàng.

Nghiên cứu từ khóa phải đúng mục đích tìm kiếm
Top 10 tìm kiếm của từ khóa “nệm cao su tốt nhất” đều là các bài đánh giá, so sánh

Do đó, các website thương mại điện tử bán nệm cao su sẽ khó có thể xếp hạng trong danh mục của bạn cho truy vấn này.

Đơn giản vì nó không đúng với thứ mà người dùng muốn.

Trước khi bạn tạo bất kỳ nội dung nào, hãy đảm bảo rằng bạn đang phù hợp với mục đích tìm kiếm. Vì không ai hiểu ý định tìm kiếm hơn Google, nên tốt nhất là phân tích kết quả xếp hạng ở trang đầu hiện tại để xác định mục đích tìm kiếm.

Hãy phân tích Content Type (loại nội dung), Content Format (định dạng nội dung) và Content Angle để xác định chính xác mục đích tìm kiếm.

1. Content Type (Loại nội dung)

Các loại nội dung thường thuộc một trong năm nhóm: bài viết trên blog, trang sản phẩm, trang danh mục, landing page hoặc video.

Ví dụ: Các trang xếp hạng hàng đầu cho “áo thun nam” đều là các trang danh mục.

Chọn đúng loại nội dung để SEO hiệu quả hơn

Theo đó người dùng đang muốn mua hàng, nếu bạn muốn xếp hạng cho từ khóa này bạn phải tạo một trang danh mục.

2. Content Format (Định dạng nội dung)

Định dạng nội dung thường được sử dụng cho các bài đăng trên blog, vì chúng thường là các bài hướng dẫn, review, quan điểm, đánh giá. 

Như ví dụ “Nệm cao su tốt nhất” tôi đã đề cập ở trên, phải nói là ngốc nghếch cho những người làm nội dung theo dạng danh mục lại muốn lên top với từ khóa này.

Bạn không cần phải làm cho mình khác biệt, bởi đơn giản là bạn khác biệt thì chỉ có chơi một mình thôi. 🤣  

3. Content Angle

Content Angle đề cập đến “selling-point” của nội dung.

Ví dụ những người muốn tìm kiếm “cách làm cơm chiên” dường như muốn biết được cách làm món ăn này đơn giản nhất có thể.

Đề cập đến điểm chính của nội dung
Đề cập đến điểm chính của nội dung

Nhắm mục tiêu vào từ khóa quá khó

Có một câu nói đùa về SEO như thế này:

Nơi tốt nhất để giấu xác chết là trên trang 2 của Google.

Si Quan Ong – Marketing @ Ahrefs

Theo tôi thấy thì sự thật đúng là như vậy, khách hàng rất ít khi nhấp đến trang thứ 2 để tìm kiếm, điều đó có nghĩa là từ khóa bạn nhắm mục tiêu phải nằm trong top 10.

Sự cạnh tranh chắc chắn là khốc liệt, nhưng không phải cho tất cả các từ khóa. Trong bất kỳ thị trường ngách nào cũng đều có những từ khóa rất tiềm năng, ít cạnh tranh và dễ xếp hạng.

Để xếp hạng được từ khóa khó sẽ tốn của bạn rất nhiều tài nguyên. Vì vậy, hãy xây dựng các từ khóa cạnh tranh đó dần dần bằng việc ưu tiên những từ khóa ít cạnh tranh hơn.

Giải pháp đưa ra

Khi tìm kiếm từ khóa, bạn có thể lọc chúng ra theo độ khó từ khóa (KD).

Độ khó từ khóa
Độ khó từ khóa

KD là một số liệu SEO ước tính mức độ khó xếp hạng trên trang đầu tiên của Google cho một từ khóa nhất định, được đo trên thang điểm từ 0 đến 100. 

Các công cụ như Ahrefs, Semrush, KWFinder, Moz Pro,… đều cho bạn biết độ khó của mỗi từ khóa, nhưng nhớ rằng đây chỉ là một số liệu ước tính.

Bạn có thể xem thêm bài viết nghiên cứu từ khóa từ đối thủ để hiểu thêm chi tiết về cách phân loại và đánh giá độ khó từ khóa.

Hiểu sai về từ khóa dài

Tôi biết nhiều người đang có suy nghĩ rất đơn giản là từ khóa dài (longtail keyword) phải có từ 3, 4 chữ trở lên. Đây là một định nghĩa sai lầm. 😪

Để tôi cho bạn thấy sai ở chỗ nào

Ví dụ có các từ khóa như:

  • App vay tiền hỗ trợ nợ xấu (với 2000 tìm kiếm/ tháng) 
  • Vay thế chấp sổ đỏ (2300 tìm kiếm/ tháng)
  • Vay theo giấy phép kinh doanh (100 tìm kiếm/ tháng)
  • Vay tiền bằng hợp đồng trả góp (250 tìm kiếm/ tháng)

Theo bạn từ khóa nào trong 4 từ trên là dài?

Tất cả đều có trên 4 chữ cái, nhưng chỉ có 2 từ khóa “vay theo giấy phép kinh doanh” và “vay tiền bằng hợp đồng trả góp” với 100 và 250 lượt tìm kiếm/ tháng mới được gọi là dài.

Bạn hiểu ý tôi chứ!

Cứ thử SEO 2 từ khóa còn lại đi rồi lúc đó bạn sẽ biết tay mình có “to” hay không. 

Vậy cụ thể thì điều gì tạo nên từ khóa dài:

  • Lượng tìm kiếm.
  • Tính cụ thể.

Đó là 2 yếu tố quyết định từ khóa của bạn.

Từ khóa càng cụ thể thì nhu cầu tìm kiếm càng thấp, nhưng đó lại là một cơ hội tốt để bạn có thể khai thác mảnh đất nhỏ màu mỡ mà chưa thấy được chủ nhân đó. 

4. Nội dung kém chất lượng

Nội dung là một vấn đề cực kỳ quan trọng mà rất nhiều SEOer khi làm SEO thường rất hay mắc phải sai lầm, tôi xin điểm qua một số những sai lầm thường thấy nhất sau đây:

Nội dung sai hoặc kém chất lượng

Một website có nội dung chất lượng sẽ là một vùng đất lành thu hút và hấp dẫn người đọc, bởi nó mang lại những giá trị thật cho họ. 

Một website với những nội dung viết sơ sài, sai nội dung và kém chất lượng chẳng khác nào khi bạn muốn đi biển du lịch để ngắm cảnh mà lại gặp phải một bãi biển ngập đầy rác. 

Bạn nghiên cứu một từ khóa tốt và muốn xếp hạng cho nó nhưng nội dung bạn cung cấp lại hoàn toàn chẳng liên quan gì.

Tôi nhắc lại cho các bạn nhớ, mục đích cuối cùng của Google vẫn là mang lại giá trị và nội dung phù hợp cho người dùng. Do đó, nếu nội dung của bạn không đáp ứng được nhu cầu người dùng thì rất khó để xếp hạng.

Content kém chất lượng bắt nguồn do đâu?

  • Cố gắng nhét thật nhiều chủ đề khác nhau cho một nội dung (thậm chí là không liên quan).
  • Tạo các nội dung không cho ai đọc (chắc chỉ có bot Google mới muốn đọc 🤭), chất lượng thấp để nhồi nhét từ khóa, những website kiểu này thật sự đọc rất khó chịu.

Vì vậy hãy nhớ luôn phải đảm bảo chất lượng cho nội dung của mình, bạn có thể đọc qua hướng dẫn này để nắm được cách tạo ra nội dung thu hút người đọc.

Copy nội dung

Một điều mà không chỉ gây khó chịu cho Google mà còn gây nhức nhối cho những người làm nội dung là vấn nạn copy nội dung.

Copy nội dung trong SEO là một điều cực kỳ phổ biến, ăn cắp nội dung được coi là spam và rất không được khuyến khích.

Google rất ghét điều này và nếu như bạn không muốn website của mình bị đẩy xuống tận cùng bảng xếp hạng. Tôi khuyên bạn tuyệt đối không nên copy bài của người khác.

Xây dựng nội dung bằng chính lời văn và ngôn từ của mình là cách tốt nhất. Không chỉ tạo dựng uy tín của bạn với Google mà người đọc bài viết của bạn khi họ thấy được sự hấp dẫn trong đó còn có thể đánh giá tốt về website của bạn.

Bỏ qua các định dạng nội dung khác

Phổ biến nhất là làm nội dung bằng văn bản vì mọi website và blog đều làm như vậy.

Nhưng, tôi nhắc bạn nhớ rằng nội dung không nhất thiết phải là văn bản.

Có nhiều định dạng nội dung khác mà bạn có thể sử dụng (hình ảnh, video, podcast,…) để xếp hạng trên Google.

Nhiều người thích xem hình ảnh hoặc video hơn là đọc. Đó là lý do tại sao càng ngày bạn thấy nhiều video hơn trên Google SERP. 

Nhiều người thích xem nội dung là video hơn bài viết
Nhiều người thích xem nội dung là video hơn bài viết

Video sẽ trực quan và thu hút người xem hơn. Theo kinh nghiệm của tôi, nội dung bằng video sẽ mất ít thời gian hơn để xếp hạng trên Google so với nội dung dựa trên văn bản.

5. Trải nghiệm người dùng kém

SEO không chỉ là về nội dung và từ khóa, nó còn là chất lượng của trang web của bạn và trải nghiệm của người dùng trên đó.

Thử hỏi rằng khi người dùng tìm đến trang web của bạn đang trong một tâm thế đón chờ để nhận được một giá trị nào đó. Nhưng họ phải đợi đến 5 giây mới tải được một phần nội dung.

Nếu là bạn, bạn có nán lại để đọc tiếp hay không? 

Google rất thông minh và có thể nhận ra khi trang web của bạn không thân thiện với thiết bị di động, cách sắp xếp bố cục bài viết và màu sắc có thể làm khó chịu cho người đọc.

Nếu bạn chưa mang lại trải nghiệm tốt cho khách hàng của mình, xếp hạng của bạn trên công cụ tìm kiếm có thể bị ảnh hưởng xấu.

Như tôi đã nói ở trên, tốc độ tải trang cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Ngoài ra, các lỗi SEO trên thiết bị di động thường rơi vào:

  • File bị chặn.
  • Tải hình ảnh và video chậm.
  • Quảng cáo xen kẽ.
  • Thông tin nghèo nàn.
  • Không có responsive.

Vì vậy bạn cần:

  • Nên cải thiện tốc độ tải trang của bạn để người đọc không bỏ rơi bạn.
  • Đảm bảo có thiết kế phù hợp để giúp người dùng dễ dàng sử dụng trên thiết bị di động.
  • Tối ưu nội dung (các nút button, box, hình ảnh, video,…) để mang lại trải nghiệm người dùng tốt hơn.

6. Các sai lầm về link

Link có thể gọi là yếu tố quan trọng hàng đầu cho mọi chiến dịch SEO, việc tránh những sai lầm về link bên dưới sẽ giúp cho chiến dịch SEO của bạn đạt được hiệu quả nhanh hơn.

1. Internal link

Internal link là vô cùng quan trọng đối với cả SEO và người dùng.

  • Giúp Google thu thập nội dung của bạn.
  • Giúp truyền tải PageRank giữa các bài viết với nhau?
  • Giúp tăng trải nghiệm người dùng.
  • Giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi.

Với những lợi ích to lớn đó mà tôi thấy rất nhiều bạn bỏ qua internal link, đây là một sai lầm LỚN.

Mỗi lần bạn xuất bản bài viết mới, hãy tìm kiếm trên Google với truy vấn site:domain.com từ khóa để tìm các bài viết khác có nội dung liên quan để bạn có thể thêm vào các liên kết nội bộ.

Ví dụ gần đây chúng tôi có bài viết mới về Landing Page, để tìm các liên kết nội bộ có thể đi, tôi tìm kiếm trên Google như sau:

Tìm kiếm cơ hội internal link trên google

Tôi nhấp vào bài viết Hướng dẫn sử dụng GetResponse, tôi thấy có anchor text phù hợp có thể thêm internal link.

Hãy thêm internal link cho mỗi bài viết khi bạn xuất bản.

Có một cách làm nhanh hơn là bạn sử dụng chức năng Site Audit của Ahrefs để quét toàn bộ nội dung của mình.

Vào mục Internal link opportunities để xem các cơ hội đi internal link mà Ahrefs đề xuất.

Internal link opportunities

Xem qua danh sách và thêm các internal link nếu có liên quan và bất cứ nơi nào cảm thấy tự nhiên.

2. Backlink

Backlink là một yếu tố xếp hạng vô cùng quan trọng của Google, Andrey Lipattsev đã xác nhận điều đó:

xác nhận của google

Vì vậy nếu bạn thấy website của mình không được xếp ở thứ hạng cao trong khi nội dung của bạn làm rất ổn thì nguyên nhân chỉ có thể là chưa đủ backlink hoặc gặp những tình trạng dưới đây:

Backlink kém chất lượng

Điều đầu tiên tôi muốn lưu ý cho các bạn về backlink là chất lượng của backlink có trong nội dung quan trọng hơn rất nhiều so với số lượng.

Hãy đảm bảo rằng backlink của bạn đến từ các website có liên quan, cùng chủ đề, có xếp hạng tốt với độ uy tín cao.

Backlink kém chất lượng cũng có thể là do bạn sử dụng anchor text không hợp lý và không liên quan gì đến nội dung trỏ về.

Ví dụ: link chứa bài viết có nội dung là “laptop cũ rẻ nhất” trong khi anchor text để hiển thị văn bản lại là ”vệ sinh laptop”, nó chẳng liên quan một chút nào cả.

Người dùng quan tâm đến chủ đề mà anchor text thể hiện, nhưng đến khi click vào lại dẫn sang một bài viết chả liên quan gì 😏

Trải nghiệm người dùng giảm xuống ngay lập tức.

Vì thế bạn cần:

  • Tìm hiểu và xây dựng backlink dựa trên chất lượng
  • Sử dụng các anchor text có ngữ nghĩa phù hợp với nội dung mà bạn muốn chia sẻ.

Không quan tâm backlink từ Social

Nhiều người đến bây giờ vẫn nghĩ như vậy là do đâu?

Bởi vì backlink trên các social được đặt rất hạn chế (nhiều trang thậm chí chỉ cho đặt một backlink duy nhất ở profile), và đa số là nofollow.

Do vậy, nhiều người chỉ quan tâm đến việc lấy những backlink là dofollow hay những backlink có sức mạnh để nhanh chóng thúc đẩy từ khóa. 

Có bạn nói “không cần lấy backlink social vẫn có thể lên được Top”, tôi không phủ nhận điều đó. 

Nhưng trong một thị trường SEO cạnh tranh cao như hiện nay, đối thủ cũng đi backlink như bạn, họ còn đi cả link social mà bạn thì lại không, liệu cơ hội để bạn leo Top có cao không?

Backlink social rất dễ lấy, trên thị trường hiện nay còn có các đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ đăng ký social để lấy backlink.

Các social thường sẽ có chỉ số DR rất cao, sẽ giúp tăng độ uy tín cho website của bạn với Google.

Một số social lớn nếu biết tận dụng tốt có thể trở thành một tài nguyên backlink chất lượng và còn có thể kéo thêm traffic cho website.

3. External link

Link out hay còn gọi là External link là những liên kết được trỏ đến các bài viết trên website khác, trái ngược với internal link là những liên kết nội bộ trên website của bạn.

Nhiều người cứ chăm chăm vào tối ưu hệ thống internal link của website và khẳng định không cần phải đi external link vì nó làm giảm sức mạnh của website.

Với suy nghĩ rằng đi link out là dâng khách hàng của mình cho người khác, họ sang website khác và ở lại đó không quay lại nữa.

Nhưng thật ra chính suy nghĩ sai lầm đó mới làm bạn SEO hoài mà không lên Top được.

Vì sao:

  • Link out giúp tăng xếp hạng của bạn trên Google tìm kiếm.
  • Link out còn xây dựng, phát triển thêm mối quan hệ với các website khác cho bạn.
  • Link out giúp bảo vệ PBN/ hệ thống vệ tinh của bạn.
  • Và dĩ nhiên nó mang đến sự tự nhiên cho website của bạn, việc bạn đi quá nhiều backlink từ website khác đổ về nhưng lại chẳng có một link out nào đi ra khỏi website của bạn sẽ khiến Google nghi ngờ hơn.

Do vậy lời khuyên của tôi là hãy nên cân bằng hài hòa giữa backlink và link out, và phải là các backlink và link out từ những website uy tín, chất lượng.

7. Không chịu thay đổi theo các phương pháp SEO mới

Google hiện nay không ngừng phát triển các thuật toán tìm kiếm của họ. Rất nhiều đợt cập nhật của Google đã được triển khai trong những năm qua làm các anh em SEOer phần nào điêu đứng.

Các chiến lược SEO cách đây vài năm trước sẽ không còn hiệu quả tuyệt đối trong thời điểm hiện tại.

Hiện nay, các kỹ thuật SEO cũ như nhồi nhét từ khóa hay sử dụng các site vệ tinh (PBN) để thao túng thứ hạng được chào đón bằng hình phạt hơn là xếp hạng.

Ví dụ về nhồi nhét từ khóa quá mức

Vì vậy bạn muốn nằm trong Top đầu của Google SERP, bạn phải thay đổi theo và cập nhật cho mình những kỹ thuật SEO hiệu quả phù hợp.

Tôi cũng vậy, luôn phải cập nhật cho mình những kỹ thuật và phương pháp SEO mới nhất, theo dõi các bản cập nhật mới, những thay đổi mới của Google để có những hướng xử lý kịp thời.

Dĩ nhiên là vẫn có những chiến lược luôn trường tồn và không bao giờ là lỗi thời, ví dụ như việc tập trung vào nội dung, đó sẽ luôn là một định hướng tốt không chỉ với Google mà còn với cả người dùng. 

8. Không đo lường đúng hiệu quả

Cách duy nhất để biết liệu nỗ lực SEO trong hàng tháng trời của bạn có đạt được hiệu quả hay không là theo dõi tiến trình của chúng thường xuyên.

Tôi thấy rất nhiều người chủ quan đến vấn đề này. Đây là một sai lầm nghiêm trọng.

Việc thường xuyên theo dõi những chỉ số, phân tích và đánh giá là điều cần thiết để biết bạn đang ở đâu, cái nào làm đúng, cái nào chưa đúng và cần làm gì tiếp theo.

Google có nhiều công cụ như Google Analytics, Google Search Console mà bạn có thể sử dụng để đo lường.

Hãy tìm một công cụ và nền tảng phục vụ tốt nhất cho bạn, đảm bảo được nhiệm vụ SEO và chi phí thấp. 

Các công cụ và nền tảng sẽ giúp bạn tăng hiệu quả trong quá trình triển khai SEO.

Lời kết

Hy vọng rằng qua bài viết của tôi trên đây, phần nào có thể giúp bạn hiểu được các sai lầm SEO thường gặp nhất. 

Dù là bạn đã trải qua hay chưa, nhưng tôi nghĩ rằng chỉ cần cải thiện được những lỗi này trong quá trình làm SEO thì bạn chắc chắn đạt được kết quả tốt hơn.

Chúc các bạn gặp nhiều thành công trong quá trình Rank top và chiến đấu của mình. 

Nếu như cảm thấy bài viết này hay và mang lại cho bạn những giá trị tốt, hãy chia sẻ bài viết để nhiều người được biết hơn bạn nhé!

Tài liệu tham khảo

10 Major SEO Mistakes (And How to Avoid Them)

https://ahrefs.com/blog/seo-mistakes/
Photo of author

Bài viết của

Danh Nguyen

Nghiên cứu và trải nghiệm là 2 điều cần thiết phải song hành cùng nhau trong quá trình làm SEO. Là một người yêu thích SEO và với kinh nghiệm của mình, tôi muốn chia sẻ các kiến thức mà mình tích lũy được trong nhiều năm làm việc đến với bạn.

Bạn đã sẵn sàng để tăng trưởng chưa?

Hãy bắt đầu bằng việc yêu cầu một bản kế hoạch dành riêng cho bạn.

Viết một bình luận