Keyword Golden Ratio: Cách tìm từ khóa để lên top 10 trong 48h

Bạn có muốn tìm những từ khóa mà có thể xếp hạng trong top 50 trên Google (thậm chí cao hơn) ngay sau khi publish bài viết?

Có 1 phương pháp nghiên cứu từ khóa được gọi là Keyword Golden Ratio mà mình đã áp dụng rất hiệu quả trong nhiều dự án SEO website mới của Action Digital.

Ý tưởng của phương pháp là dựa trên việc tìm ra những từ khóa dài có volume vừa phải, và có ít đối thủ cạnh tranh.

Trong bài này, mình sẽ hướng dẫn các bạn từng bước tìm kiếm bộ từ khóa có thể giúp bài viết của bạn nằm ở trang đầu Google trong thời gian ngắn nhất và không mất quá nhiều công sức.

Keyword Golden Ratio là gì?

Keyword Golden Ratio (KGR) hay tỷ lệ vàng của từ khóa là công thức tạo ra bởi Doug Cunnington, nói về phương pháp tìm kiếm những từ khóa tiềm năng và ít đối thủ làm, thông qua việc phân tích các số liệu về volume search và allintitle.

Tối ưu các từ khóa này có thể giúp nội dung của bạn lên trang đầu của Google chỉ trong vài tuần, vài ngày, thậm chí vài giờ nếu website có độ uy tín và được on-page tốt.

Công thức tính KGR

Keyword Golden Ratio được tính theo công thức như sau

Công thức tính Keyword Golden Ratio. Nguồn: Mangools

KGR = tổng kết quả tìm kiếm có chứa từ khóa (allintitle) chia cho tổng lượng tìm kiếm trung bình hằng tháng (search volume).

Trong đó, search volume nhỏ hơn 250.

Sẽ có 3 hướng kết quả như sau:

  • Kết quả nhỏ hơn 0.25: đây là những từ khóa rất tốt để có thể triển khai nội dung, bài viết của bạn có thể vào top 50 ngay sau được index.
  • Kết quả từ 0.25 – 1.00: bài viết sẽ được vào top 100 sau 1 thời gian ngắn. 
  • Kết quả lớn hơn 1.00: nếu là website mới thì khó cho bạn lọt vào top 100.

Như vậy, bạn nên chọn những từ khóa có KGR nhỏ hơn 0.25 để lên nội dung ngay từ đầu. công thức này đã được thử nghiệm với rất nhiều website và đều mang lại hiệu quả bất ngờ.

Tại sao giới hạn từ khóa có volume nhỏ hơn 250?

Theo tác giả giải thích thì các từ khóa có volume cao thì có xu hướng cạnh tranh cao hơn và mất nhiều thời gian để xếp hạng hơn bất kể số lượng đối thủ cạnh tranh là bao nhiêu.

Con số lý tưởng của công thức là KGR < 0.25, Volume <250 và bạn có tối đa 63 kết quả allintitle, điều đó có nghĩa là chỉ có 63 website nhắm mục tiêu vào từ khóa đó trên tiêu đề.

Cách tìm allintitle?

Allintitle là 1 toán tử tìm kiếm nâng cao của Google, trả về các kết quả cho chứa từ khóa trong thẻ meta <title>

Có 2 cách để bạn tìm allintitle là tìm thủ công và sử dụng công cụ để tìm tự động.

Cách tìm allintitle thủ công là tìm kiếm trên Google theo cú pháp allintitle:từ khóa hoặc allintitle:"từ khóa".

Số kết quả có tiêu đề chứa từ khóa (allintitle)

Google trả về có khoảng 22 kết quả, đó là allintitle

Cách thứ 2 là bạn sử dụng công cụ để tìm hàng loạt allintitle, mình sẽ hướng dẫn cụ thể ở phần dưới.

Ví dụ về từ khóa có KGR

Với từ khóa phía trên là “uống nước ép dứa có tác dụng gì” có volume search là 590 và allintitle là 22, theo công thức thì

KGR = 22/590 = 0.03

Nhìn thì có vẻ ngon nhưng thực tế đây không phải là từ khóa KGR, vì volume search lớn hơn 250.

Cùng xem xét 1 từ khóa khác dài hơn là “uống nước ép dứa cà rốt có tác dụng gì

Từ khóa này có volume là 170 và allintitle là 9.

Vậy KGR = 9/170 = 0,05 => Đây mới chính là từ khóa KGR, có khả năng đạt thứ hạng cao ngay sau khi bài viết được index.

Ưu nhược điểm của KGR

Trước khi bạn sử dụng Keyword Golden Ratio, bạn nên biết ưu và nhược điểm của nó để quyết định xem chiến thuật này có thực sự phù hợp với bạn hay không.

Ưu điểm

  • Mang lại organic traffic nhanh hơn
  • Có thể giúp website mới thoát khỏi Sandbox.

Nhược điểm

  • Yêu cầu số lượng lớn nội dung.
  • Không phù hợp với website có chủ đề hẹp và ít phổ biến.

Hướng dẫn cách tìm từ khóa KGR hàng loạt.

Các công cụ nghiên cứu từ khóa đang được sử dụng phổ biến hiện nay nhất gồm: Ahrefs, SEMRush, Keywordtool.io, Spineditor,…mỗi công cụ đều có nhưng ưu nhược điểm riêng.

Trong hướng dẫn này thì mình sử dụng kết hợp giữa hai công cụ là Keywordtool.io và Spineditor với từ khóa chính là “nồi chiên không dầu”.

Sử dụng template mẫu mình làm ở đây, bạn make a copy để tạo phiên bản mới.

Bước 1: Tìm từ khóa dài và search volume

Mình nhập từ khóa “nồi chiên không dầu” vào Keywordtool.io, có 669 từ khóa liên quan và tổng volume là 843.620.

Bấm Copy with Search Volume để copy toàn bộ từ khóa kèm theo volume.

Mở file Google Sheet bên trên, paste vào cột Keywords

Bây giờ bạn xóa các kết quả có volume search lớn hơn 250 và không có volume, kết quả như hình sau

Tới đây bạn sẽ có 1 bộ từ khóa dài, trong đó có rất nhiều từ không liên quan, dính tới thương hiệu khác hoặc không phù hợp với định hướng nội dung của bạn, bạn cần loại bỏ thủ công những từ khóa này trước.

Bước 2: Tìm allintitle của từ khóa dài

Bạn mở Spineditor, vào công cụ Gợi ý từ khóa, sau đó nhập các từ khóa đã lọc ở trên vào phần danh sách từ khóa để lấy giá trị allintitle.

Bước 3: Tính toán tỷ lệ KGR

Tính tỷ lệ KGR bằng cách tạo thêm cột KGR ở bảng tính. Ở cột này công thức sẽ được xác định như phần phương pháp tính nêu ở đầu bài.

KRG = allintitle/search volume

Tới đây là bạn đã có 1 bộ từ khóa dài theo phương pháp tính KGR, còn tùy vào định hướng nội dung của website mà bạn triển khai cho phù hợp.

Một vài lưu ý trong quá trình triển khai KGR

Hiệu quả mà Keyword Golden Ratio mang lại là điều có thể khẳng định. Nhưng bạn cũng cần phải lưu ý một số điểm trong quá trình sử dụng phương pháp này.

Không nhồi nhét từ khóa KGR

Không nên để KGR xuất hiện quá nhiều lần trong bài viết vì thông thường sẽ là những từ khóa dài.

Ví dụ như: phi hành bằng nồi chiên không dầu, thịt nướng mật ong bằng nồi chiên không dầu,…

Việc các từ khóa này xuất hiện nhiều lần trong bài viết sẽ làm mất đi tính tự nhiên, gây ra sự khó chịu, gượng gạo cho người đọc.

Để đảm bảo an toàn, bạn chỉ nên chèn từ khóa KGR trong tiêu đề từ 1 đến 2 lần trong nội dung bài viết là đủ, sau đó bạn có thể dùng thêm các từ khóa liên quan, từ đồng nghĩa và các biến thể khác.

Từ khóa KGR có thể không được xếp hạng

Không phải lúc nào Keyword Golden Ratio cũng được xếp hạng cao, mặc dù các số liệu volume hay allintitle đều tốt.

Vì sao lại như vậy?

Thỏa mãn ý định tìm kiếm của người dùng luôn là ưu tiên hàng đầu của Google và nếu như nó tìm thấy những website có độ uy tín đang xếp hạng cao ở từ khóa chính thì có thể nó sẽ xếp hạng luôn những từ khóa KGR.

Vậy thì chúng ta nên xử lý tình huống này như thế nào?

Khi có được một từ khóa KGR, hãy kiểm tra ý định tìm kiếm của người dùng bằng cách tham khảo kết quả trả về của Google.

  • Nếu phần lớn kết quả là các trang TMĐT như Shopee, Lazada,… thì người dùng muốn thấy các kết quả đó chứ không phải là website của bạn.
  • Nếu là các video trên Youtube thì người dùng mong muốn cụ thể là xem video.
  • Nếu kết quả liên quan đến các chủ đề YMYL như sức khỏe, y tế thì chia buồn với bạn, bỏ KGR đó đi.

Nếu bạn không thấy kết quả trả về có nhiều website tương tự hoặc cùng chủ đề với bạn thì có thể từ khóa KGR sẽ không được xếp hạng.

Nên thử nghiệm từ khóa KGR trên số lượng lớn.

Nếu chỉ xuất bản 1 hoặc 2 nội dung theo tỷ lệ KGR, có thể là bài viết đó sẽ không được xếp hạng. 🤣

Theo nghiên cứu của tác giả công thức, có khoảng 5% từ khóa KGR hoạt động tốt hơn kỳ vọng, 15% thấp hơn kỳ vọng ​​và 80% còn lại nằm ở top 30 – 50 trên Google.

Vì vậy, hãy đăng ít nhất 20 bài viết lên trên website bạn sẽ thấy nó hoạt động rất hiệu quả trên số lượng bài viết lớn.

Câu hỏi thường gặp về từ khóa KGR

Có công cụ nào tự động tìm từ khóa KGR không?

Theo mình biết thì chưa có công cụ nào làm được vì dính captcha của Google.

Các công cụ từ khóa có số volume khác nhau thì sao?

Hãy chọn 1 công cụ bạn thích và tin tưởng, volume search chỉ là ước tính ngay cả công cụ của Google. Số volume search chính xác không quá quan trọng.

Từ khóa có KGR nhỏ hơn 0.25 nhưng volume lớn hơn 250 thì sao?

Không sao cả, về lý thuyết thì nó không phải là từ khóa KGR nhưng bạn cứ thử nghiệm xem website bạn sẽ xử lý như thế nào. Bạn có thể mở rộng volume ra khoảng 1000 hay KGR lên tới 0.5-1.0,…

KGR có giúp thoát khỏi Google Sandbox nhanh hơn không?

Không chắc chắn 100% bạn thoát khỏi Google Sandbox nhanh hơn, nhưng đảm bảo bạn có organic traffic nhanh hơn.

Có trường hợp đặc biệt nào của từ khóa KGR không?

Nếu website bạn mới xây dựng và chưa có uy tín thông qua backlink, nên sử dụng chiến thuật KGR nhưng không cần quá khắc khe. Bạn có thể thử nghiệm mở rộng bộ lọc ra như volume hơn 1000 hoặc KGR lớn hơn 0.5,…

Kết luận

Keyword Golden Ratio là một phương pháp hay trong việc tăng organic traffic một cách tự nhiên cho website bằng cách xây dựng nội dung với những từ khóa dài, volume search không quá cao cũng như chưa có nhiều title xuất hiện từ khóa trong kết quả tìm kiếm của Google

Phương pháp này đặc biệt hiệu quả đối với website mới, nhưng cũng cần thực hiện với một số lượng bài viết đủ lớn để đạt được kết quả như mong muốn.

Lời khuyên cuối cùng của mình là

  • Bám sát theo công thức KGR ngay từ ban đầu
  • Sau khi website đã những bước tiến triển và thu hút được lượng organic traffic nhất định, sau đó có thể thoải mái thử nghiệm với các giá trị volume và KGR cao hơn.
  • Cần phải xuất bản nội dung với KGR thường xuyên, chắc chắn bạn sẽ thấy được hiệu quả từ nó

Chúc các bạn thành công trong việc áp dụng từ khóa KGR, nếu có câu hỏi gì thì đừng ngại cho mình biết ở phần bình luận nhé.

Hẹn gặp các bạn ở những bài viết sau.

Tài liệu tham khảo

Keyword Golden Ratio: How to find keywords you can rank for in 48 hours

https://mangools.com/blog/keyword-golden-ratio/

Keyword Golden Ratio: Rank in 24 HOURS. DATA DRIVEN LONG TAIL KEYWORDS to RANK in Google

https://nichesiteproject.com/keyword-golden-ratio/
Photo of author

Bài viết của

Hòa Lê

Bạn đã sẵn sàng để tăng trưởng chưa?

Hãy bắt đầu bằng việc yêu cầu một bản kế hoạch dành riêng cho bạn.

Viết một bình luận