Cách viết Meta Description hấp dẫn

Nếu như title đóng vai trò thu hút, lôi kéo người dùng thì meta description đóng vai trò như “chiếc chìa khóa” giúp bài viết tiếp cận gần hơn với khách hàng của mình.

Giữa biển trời các trang web đang cạnh tranh nhau trên Google, “nó” gọi người dùng và nói: “Đây là trang bạn đang tìm kiếm. Hãy click đi!”

Nhiều người lầm tưởng rằng chỉ cần nội dung của bạn cung cấp đầy đủ thông tin là được. Nhưng không, meta description mới chính là cái “mấu chốt” để người dùng ra quyết định click xem trang của bạn hay không?

Vì vậy, hôm nay và trong bài viết này, tôi sẽ giúp bạn biết được những kiến thức cứ nghĩ là không cần thiết nhưng lại vô cùng quan trọng:

  • Meta description là gì?
  • Tầm quan trọng của meta description “bạn nên có”.
  • Cách để tạo meta description thu hút.
  • Và những lưu ý bạn nên nhớ.

Tôi sẽ bắt đầu với khái niệm meta description.

Meta Description là gì?

Meta description (còn được gọi là “thẻ mô tả hay thẻ meta”) một thuộc tính HTML là một đoạn văn bản ngắn khoảng 2 – 3 dòng, tối đa 160 ký tự. Tóm tắt ngắn gọn nội dung của trang web đó. Hay nói cách khác Meta description là mô tả lại Title.

Dựa vào đó, công cụ tìm kiếm và người dùng sẽ hiểu rõ hơn về trang web của bạn.

Bạn có thể nhìn thấy meta description là đoạn văn bản đầu tiên nằm ngay dưới tiêu đề của các kết quả tìm kiếm.

meta-description-hien-thi-nhu-the-nao-tren-google

Nếu meta description dài thì nó được thay thế bằng “…”.

Thẻ meta được thêm vào phần <head> của HTML và thường có dạng như sau:

<!DOCTYPE html>
<html>
  <head>
    <meta charset="utf-8">
    <meta name="Description" CONTENT="Đây là meta description mà bạn sẽ viết cho trang của bạn.">
    <meta name="robots" content="index,follow">
  </head>
</html>

Bạn có thể hiểu như sau:

<meta name=”Description” content=”Đây là meta description mà bạn sẽ viết cho trang của bạn.“>

Dùng thẻ này để khai báo meta description của trang cho Google bot hiểu.

<meta name=”robots” content=”index,follow”>

Thẻ meta này kiểm soát hành vi của công cụ tìm kiếm. Công cụ tìm kiếm sẽ thu thập dữ liệu và lập chỉ mục.

Bạn cũng có thể xem thẻ meta bằng cách bạn view source bằng cách nhấn chuột phải và chọn “View page Source” hoặc nhấn Ctrl + U. 

view source bằng cách nhấn chuột phải

Bạn sẽ thấy thẻ meta description trông giống như hình bên dưới:

meta description khi viewsource

Để hiểu hơn về meta description là gì? Bạn có thể xem qua video giải thích từ quản trị viên web Matt Cutts của Google nhé.

Tại sao Meta Description lại quan trọng?

Theo một phân tích của Ahrefs thấy rằng các trang có meta description có số nhấp chuột trung bình nhiều hơn 5,8% so với các trang thiếu meta description.

trang có meta description có số nhấp chuột trung bình nhiều hơn 58 so với các trang thiêu meta description

Và lượt nhấp chuột có ảnh hưởng đến thứ hạng website của bạn trên Google không? Có đấy nha.

Tuy nhiên, Google từ lâu đã cho rằng meta description không ảnh hưởng đến thứ hạng trên công cụ tìm kiếm. Từ một bài đăng năm 2007 của Google:

[Tôi] không chắc chắn rằng meta description có thể cải thiện khả năng nhấp chuột, chúng sẽ không ảnh hưởng đến xếp hạng của bạn trong kết quả tìm kiếm.

Google đã nhắc lại điểm này một lần nữa vào năm 2009 trong một bài đăng nói rằng meta description không sử dụng làm tín hiệu xếp hạng.

Google nói về meta description

Do đó, từ lâu mọi người dường như đã bỏ qua việc tạo meta description. Sau khi viết xong bài viết thì việc thêm meta description hiếm khi được chú trọng.

Tuy nhiên, tôi có một điều cần phải nói cho bạn biết là Google không phải lúc nào cũng hiển thị meta description của bạn. Thật là xu cà na 😅

Theo một nghiên cứu của Ahrefs có đến gần 63% Google viết lại meta description cho các kết quả tìm kiếm. 

Vậy điều gì đang xảy ra ở đây? 

Về cơ bản, Google có thể chọn bất kỳ nội dung nào trong trang web của bạn làm meta description để phù hợp với search intent của người dùng.

Nếu như meta description mà bạn đã viết trước đó nó không trả lời đúng truy vấn của người dùng. Thay vào đó, Google sẽ chọn một nội dung cung cấp kết quả phù hợp hơn cho truy vấn đó.

Tất cả sẽ phụ thuộc vào những gì mà người dùng đã nhập trong box search của Google.

Bạn có ngạc nhiên không? 

Vâng, khi tôi nghe qua tôi cũng đã nghĩ là thế thì mình cần gì phải viết meta description nữa. Nếu có viết thì chắc gì Google đã lấy và cho nó xuất hiện đâu. Tuy nhiên, nếu có cơ hội xảy ra, bạn hãy tận dụng nó vào bài đăng của mình.

Bạn chỉ có 1 cơ hội để thể hiện mình với khách hàng với người dùng của bạn. Vì vậy, đừng bỏ qua việc tạo ấn tượng bằng meta description hấp dẫn nhưng ngắn gọn súc tích đầy đủ thông tin nhất. 

Chúng ta cung cấp gì, Google hiện gì chỉ có Google mới biết, đôi khi không thích thì nó không nhận vậy thôi 🙂 – Đừng lo lắng quá, kệ nó.

Meta description cũng chỉ là 1 đoạn 2-3 dòng thôi, có gì mà ghê gớm đâu nhỉ! Vâng, xin thưa đây là những lý do tại sao bạn cần phải có meta description.

1. Cung cấp thông tin sơ lược về truy vấn của người dùng

Meta description là cơ hội để bạn cho cả trình thu thập dữ liệu và người dùng biết nội dung trang web của bạn.

Thẻ tiêu đề có thể tạo ấn tượng đầu tiên cho người dùng, nhưng meta description giúp người dùng quyết định nên click vào kết quả nào giữa hàng trăm trang tương tự. 

Meta description giúp cho người dùng biết nội dung của trang và cung cấp cái nhìn sơ lược về nội dung cũng như giá trị mà họ sẽ nhận được. Để họ có thể chọn được một trang đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ.

2. Giúp tăng CTR từ SERPs

Meta description tác động tích cực đến việc tăng CTR. Những đoạn văn ngắn này là cơ hội để “quảng cáo” nội dung của mình cho người tìm kiếm. Và cũng là cơ hội của người tìm kiếm để quyết định xem nội dung đó có liên quan đến truy vấn hay chứa thông tin họ đang tìm kiếm hay không?

Nếu meta description của bạn hiển thị được đúng truy vấn của người dùng, thì việc nhấp chuột vào bài đăng của bạn là điều hiển nhiên đúng không nào?

Và từ đó sẽ giúp tăng CTR cho bài viết của bạn.

3. Tăng Organic traffic

Meta description không phải là một yếu tố xếp hạng, nhưng nó sẽ thu hút nhiều lượt click chuột hơn và điều đó dẫn đến nhiều lưu lượng truy cập hơn nếu meta description của bạn hấp dẫn.

4. CTR cao làm tăng thứ hạng tìm kiếm

Bạn có đang phân vân về việc liệu rằng meta description có ảnh hưởng đến thứ hạng SEO hay không? 

Đúng rồi, meta description không quan trọng đối với Google. Tuy nhiên, nó lại thực sự quan trọng đối với người dùng. Meta description đóng một vai trò quan trọng trong CTR, có thể giúp tăng xếp hạng trang về lâu dài.

Bạn biết đấy, vì CTR được sử dụng để đánh giá mức độ liên quan của một trang web với SERP. Do đó, có thể coi meta description là một yếu tố xếp hạng “gián tiếp”.

CTR càng nhiều thì vị trí của bạn trên công cụ tìm kiếm sẽ được cải thiện đáng kể.

Và vì meta description có tác động gián tiếp đến thứ hạng tìm kiếm và đặc biệt là vì chúng có thể tác động đáng kể đến hành vi của người dùng. Nên điều quan trọng là bạn phải tạo ra thật xuất xắc.

Cách viết Meta Description hấp dẫn

Vâng, đúng là meta description chỉ là mô tả thôi, nhưng lại có vai trò đáng kể làm cho trang web của bạn hấp dẫn người dùng.

Nếu không quan tâm đến ý mà tôi vừa nói thì bạn có thể viết kiểu gì cũng được. Thậm chí là bỏ trống cũng chẳng sao, trang web của bạn vẫn chạy bình thường. Chả sao cả.

Tuy nhiên, ai mà lại muốn trang web của mình không được Google xếp hạng cao, cũng như chẳng thu hút ai.

Bạn có muốn như vậy không?

Tôi dám chắc là không. Bởi nếu vậy thì bạn cũng chẳng đọc bài viết này làm gì?

Bạn đã biết tầm quan trọng của meta description đối với trang web của bạn. 

Hãy cùng xem qua cách viết meta description mà tôi giới thiệu dưới đây. 

Mục tiêu chính rất đơn giản - thuyết phục nhiều người nhấp vào trang của bạn trên SERP

1. Viết từ 70 đến 160 ký tự

Không có độ dài tối thiểu hoặc tối đa cho nội dung trong meta description. Đoạn mô tả của bạn phải chứa đầy đủ thông tin liên quan đến nội dung của bài để người dùng xác định xem trang đó có hữu ích và phù hợp với họ hay không.

(Lưu ý rằng người dùng có thể thấy các đoạn meta description có kích thước khác nhau tùy thuộc vào từ khóa và vị trí họ tìm kiếm.)

Độ dài tối đa tốt nhất tính bằng px là 920px (~ 160 ký tự) trên Pc và 680px (~ 120 ký tự) trên thiết bị di động.

Vì vậy, nếu bạn muốn giữ nguyên trạng của meta description của mình thì nên viết giới hạn khoảng 155 ký tự là tốt nhất. Nếu không, meta description của bạn có thể bị cắt bỏ.

Lưu ý: Giới hạn ký tự meta description của Google thực tế được đo bằng kích thước pixel. Không phải ký tự.

Hầu hết các plugin SEO WordPress (như Yoast SEO hay Rank math,… ) đều tự động đếm các ký tự trong thẻ meta của bạn.

rankmath có đếm ký tự khi viết meta description

2. Chứa từ khóa trong meta description

Bạn nên đề cập đến từ khóa của bạn ít nhất 1 lần trong meta description. 

Hãy nhớ rằng: Các công cụ tìm kiếm không sử dụng nội dung trong meta description của bạn như một tín hiệu xếp hạng.

Vì vậy, tại sao sử dụng từ khóa của bạn trong mô tả của bạn?

Vì nó có thể giúp bạn nhận được nhiều lượt nhấp chuột hơn.

Vì sao?

Bởi vì người đọc đang tìm các kết quả đáp ứng đúng truy vấn của họ.

NHƯNG – nó phụ thuộc vào việc kết quả đó có thỏa mãn ý định của họ hay không và những gì họ thực sự đang tìm kiếm.

Nếu meta description của bạn đáp ứng ý định của họ tốt hơn bất kỳ kết quả nào khác xuất hiện, thì bạn vừa chiến thắng trong “trận chiến” thu hút sự chú ý của họ để nhấp vào kết quả đó.

Một phần của trận chiến đó bao gồm việc thêm từ khóa. Google có nhiều khả năng sẽ làm nổi bật (cụ thể là in đậm) khi hiển thị kết quả của bạn cho truy vấn tìm kiếm đó.

Google sẽ in đậm key khi search

Lưu ý: Đừng cố nhồi nhét quá nhiều các từ khóa vào thẻ meta.

3. Tóm tắt chính xác nội dung

Phải nêu bật lên được chủ đề và hướng giải quyết cho vấn đề. Nếu chủ đề một đằng mà meta description một nẻo thì không ổn. Nói cách khác cần có sự ăn khớp và nhịp nhàng giữa tiêu đề, meta description và nội dung của trang. 

Meta description không phải là nơi để “kể chuyện”. Mọi từ đều quan trọng vì người dùng sẽ nhanh chóng quyết định sẽ nhấp vào bằng cách đọc lướt qua các kết quả.

Meta description cần mô tả rõ ràng LỢI ÍCH mà người dùng sẽ nhận được từ trang của bạn. Đồng thời, phải thể hiện chính xác nội dung mà bạn đã đề cập đến. 

Ví dụ: 

Meta description của làm điệu

Lợi ích của việc vào trang Lamdieu.com là bạn sẽ đọc được những bài review mỹ phẩm, giúp người bạn có cái nhìn “sáng suốt” hơn trước khi mua hàng. Bên cạnh đó là những xu hướng mới lạ, độc đáo khi trang điểm và những bí quyết chăm sóc da tuyệt vời.

MẸO: 

Tham khảo từ Google Ads.

Tại sao?

Vị trí của Google Ads dựa trên số tiền nhà quảng cáo đặt giá thầu. Nhưng cũng có điểm chất lượng.

Cụ thể, quảng cáo có điểm chất lượng cao trả cho mỗi lần nhấp chuột ít hơn quảng cáo có điểm chất lượng thấp.

Và yếu tố số 1 ảnh hưởng đến điểm chất lượng là tỷ lệ nhấp chuột.

Nói cách khác: Quảng cáo được nhấp vào nhiều, trả ít tiền hơn cho mỗi lần nhấp. Điều này có nghĩa là bạn có một “bản sao” đã được kiểm chứng mà bạn có thể sử dụng trong tiêu đề và meta description của mình.

Và đây là cách thực hiện.

Đầu tiên, hãy search từ khóa của bạn trên Google. (Bạn cũng có thể tìm kiếm các biến thể của thuật ngữ.)

Sau đó, hãy xem những nội dung nào mà nhiều quảng cáo sử dụng.

Nếu nội dung đó phù hợp với trang của bạn, hãy kết hợp nó vào meta description của bạn.

4. Tạo meta description unique

Tất cả các meta description trên trang web của bạn cần sự khác biệt. Nếu meta description của bạn giống với meta description của những trang khác thì rất dễ khiến người dùng hoang mang. Và còn gì gọi là khác biệt nữa.

Người thành công luôn có lối đi riêng. Vậy hãy tự tạo cho mình một meta description độc nhất nhé!

5. Viết bằng giọng văn tích cực, thu hút

Nếu bạn xem meta description là một lời “mời gọi” mọi người đến với trang web thì bạn không nên dùng phép “ẩn dụ” hay các từ chuyên môn phải tốn “chất xám” để suy nghĩ.

Hãy viết bằng giọng văn dành cho đứa trẻ mẫu giáo, đơn giản và dễ hiểu nhất.

Biến chúng thành lời mời thân thiện, súc tích và dễ hiểu nhất có thể. Đồng thời từ ngữ trong thẻ meta description cần có sự chọn lọc kỹ lưỡng và có tính thuyết phục cao.

Và ngoài việc đi thẳng vào chủ đề bạn nên kết hợp thêm ngôn từ khéo léo để “quảng cáo” cho bài viết. Ví dụ như:

  • Thêm những tính năng về thông số, thành phần,…
  • Thêm lời kêu gọi hành động: hãy khám phá xem, dùng ngay ưu đãi,…

6. Đảm bảo rằng nó phù hợp với nội dung của trang

Con đường người dùng tìm kiếm trên Google:

Nhập từ khóa vào Google search => Đọc tiêu đề => Đọc meta description=> Nhấp vào bài phù hợp.

Bạn muốn tiêu đề và meta description của mình có liên quan và kết hợp liền mạch với nhau.

Điều quan trọng là đảm bảo mỗi trang của bạn nhắm mục tiêu một từ khóa cụ thể và sử dụng các modifire keyword (từ khóa bổ nghĩa) trong meta description. Để đảm bảo rằng người dùng của bạn tìm thấy nội dung thích hợp khi họ nhấp vào.

Cuối cùng, bạn cần làm cho meta description của mình có tính thuyết phục và thiết thực nhất. Nếu bạn thuyết phục được người dùng nhấp vào bài đăng của mình (thay vì các bài đăng của đối thủ cạnh tranh), bạn sẽ có được nhiều lưu lượng truy cập và CTR sẽ cao hơn, điều này có thể đẩy thứ hạng của bạn lên cao hơn nữa.

Cách thuyết phục của bạn sẽ phụ thuộc vào đối tượng mục tiêu mà bạn hướng đến. Bạn có thể “trêu chọc” người dùng bằng một gợi ý về giá trị mà họ sẽ nhận được khi truy cập trang của bạn. 

Họ sẽ nhận được kiến ​​thức hoặc kỹ năng mới nào sau khi đọc nội dung của bạn? Tại sao sản phẩm của bạn tốt hơn sản phẩm của người khác? Tại sao tôi phải chọn bạn?…

7. Viết cho người dùng, không phải cho Google

Meta description của bạn cần hướng đến độc giả là con người chứ không phải công cụ tìm kiếm.

Khi nói đến meta description, điều quan trọng là cung cấp một bản tóm tắt nhưng đầy đủ ngay từ cái nhìn đầu tiên và “chào mừng” người dùng vào trang web của bạn. 

Đây cũng là cơ hội để kết nối với người dùng ở cấp độ là cá nhân.

Hãy kết hợp tính cách và tiếng nói của riêng bạn ngay trong phần meta description này. 

8. Cân nhắc sử dụng Rich Snippets

Rich Snippets hiện đang được sử dụng ở nhiều rất website.

Đây là một dạng của rich snippets hiển thị dưới dạng đánh giá sao, hình ảnh, xếp hạng đánh giá,…

đánh giá sao ranking vote

Nó sẽ giúp cho website nổi bật và giúp người dùng có cái nhìn thực tế tăng độ uy tín, chất lượng của dịch vụ trong mắt người dùng. Góp phần kích thích người dùng click chuột vào website của bạn hơn.

Tuy nhiên, đây cũng có thể là một con dao 2 lưỡi. Ví dụ bạn bị đánh giá 1 sao chẳng hạn. Vì vậy, bạn cũng nên cân nhắc nhé.

Lưu ý khi viết Meta description

Hãy xem xem bạn đã mắc (hoặc đang mắc) những lỗi quá phổ biến này không nhé:

  • Viết quá nhiều: Nên cô đọng nội dung. Tốt nhất155 ký tự trở xuống.
  • Sao chép: Meta description của bạn có giống với người khác không? 
  • Lạc đề: Nội dung trong meta description phải liên quan đến nội dung trên trang web của bạn. 
  • Không có từ khóa trong meta description: Ít nhất một lần từ khóa phải xuất hiện trong meta description.
  • Nhồi nhét từ khóa: Không nên nhiều hơn một (có thể hai) từ khóa trong meta description của bạn. Nếu buộc phải thêm, thì bạn nên dùng những từ khóa đồng nghĩa hoặc từ khóa LSI.
  • Không chỉ ra giá trị: Người dùng sẽ có được lợi ích gì khi nhấp vào bài đăng của bạn? Làm cho điều này thật rõ ràng.
  • Không nên dùng dấu “” – dấu ngoặc kép: Nếu bạn sử dụng, Google sẽ hiểu là đến vị trí dấu ngoặc sẽ hết và ngắt đoạn ở đó. Để tránh tình trạng này, tốt nhất bạn không nên dùng các ký hiệu khác ngoài chữ cái và con số. Bạn hiểu ý tôi chứ.

Meta description của bạn đã tránh được tất cả những sai lầm ở trên? Nếu vậy, bạn có thể publish ngay!

Kết bài

Tương tự như việc chọn một cuốn sách để đọc, người dùng có thể khó chọn được trang web nào sẽ cung cấp cho họ thông tin, giá trị và trải nghiệm mà họ muốn tìm. Và đó là nơi meta description “xuất hiện” và thể hiện giá trị của nó.

Và mặc dù không có một mẫu hay một “barem” nào hoàn hảo để viết meta description, nó có thể khác nhau tùy thuộc vào từng doanh nghiệp, chủ đề, lĩnh vực,… Nhưng những tiêu chí mà tôi đã đề cập ở trên chắc chắn là cần thiết.

Lý thuyết là một chuyện, thực hành lại là một chuyện khác nhỉ…

Đọc những chia sẻ từ những kinh nghiệm thực tế mà tôi đã làm ở trên. Chắc hẳn, bạn đã định hình về những gì cần phải làm cho meta description của mình rồi đúng không, tiến hành thực tế luôn đi.

Còn bạn? Bạn có cách nào hay để viết meta description. Hãy chia sẻ kinh nghiệm của bạn ở đây để mọi người cùng tham khảo nhé!

Tài liệu tham khảo

How to Write the Perfect Meta Description

https://ahrefs.com/blog/meta-description/

All you need to know about meta descriptions (complex guide)

https://blog.spotibo.com/meta-description/

SEO Best Practices: How To Create Awesome Meta Descriptions

https://www.searchenginejournal.com/on-page-seo/optimize-meta-description/
Photo of author

Bài viết của

Trang Đoàn

Tôi là ĐOÀN TRANG, tôi ở đây giúp bạn học và tự trải nghiệm. Với một con người có đam mê mãnh liệt với Marketing, thích thử thách và mạo hiểm. Những kiến thức mà tôi chia sẻ là những đúc kết đầy tâm huyết của tôi. Cùng đồng hành và phát triển nhé!

Bạn đã sẵn sàng để tăng trưởng chưa?

Hãy bắt đầu bằng việc yêu cầu một bản kế hoạch dành riêng cho bạn.

Viết một bình luận